THIẾT BỊ VÙNG TRONG BMS
Trong thời đại công nghiệp hoá – hiện đại hoá phát triển như vũ bão và không khí hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay, chúng ta đã tiến được những bước tiến dài, đã đạt được những thành công và kết quả tương đối khích lệ trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Một trong những thành công đó là qui mô đô thị hoá với hàng loạt các công trình kiến trúc đồ sộ mọc lên để tô đẹp thêm cho thành công và phát triển của kinh tế Việt Nam.
Từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh, Từ Móng Cái đến Cà Mau các toà nhà cao tầng mọc lên rất nhanh thể hiện cho sự thành công về mặt kinh tế và đời sống của cả nước.
Trước sự phát triển nhanh chóng đó vấn đề đặt ra là kiểm định chất lượng toà nhà đó như thế nào và đưa vào các tiêu chí nào để đánh giá chất lượng cho các toà nhà cao tầng đó.
Có thể phân loại các toà nhà cao tầng theo mục đích sử dụng như sau:
- Các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, nhà Bank, công ty bảo hiểm.
- Các toà nhà hành chính công cộng.
- Các toà nhà dược phẩm, bệnh viện.
- Các nhà ga tàu, tàu điện ngầm.
- Các khách sạn, nhà hàng, nhà ăn.
- Các trường đại học, trường phổ thông.
- Các trung tâm điện thoại, giải trí, truyền hình.
- Các nhà máy điện.
- Các sân bay, trung tâm thông tin…
Với mỗi loại nhà cao tầng có các mục đích sử dụng khác nhau, do đó chúng ta phải xây dựng được hệ thống quản lý toà nhà tương ứng phù hợp với mục đích sử dụng khác nhau đó.
Hệ thống tập trung hóa giám sát hoạt động và quản lý tòa nhà nhằm tối ưu hiệu suất hoạt động.
Ngoài những hệ thống kỹ thuật tối thiểu như hệ thống điện và chiếu sáng,hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thông gió và tuỳ vào mục đích sử dụng của các toà nhà mà có thêm các hệ thống như:
- Hệ thống điều khiển thông gió và điều hoà không khí.
- Hệ thống điều khiển đèn chiếu sáng.
- Hệ thống điều khiển bãi đỗ xe.
- Hệ thống điều khiển vào ra toà nhà.
- Hệ thống báo động xâm nhập.
- Hệ thống cảnh báo cháy, báo khói.
- Hệ thống thông tin nội bộ và bên ngoài.
- Hệ thống giám sát và tự động hóa toàn bộ toà nhà.
Các hệ thống này có thể chia làm bốn nhóm chính:
- Cấp quản lý
- Cấp vận hành
- Cấp điều khiển hệ thống
- Cấp khu vực – cấp trường
Bốn nhóm này đặc trưng cho hệ thống BMS cho các toà nhà cao tầng. Tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng mà bốn nhóm hệ thống trên được trang bị cho các toà nhà hay không? Trên cơ sở các hệ thống này mà chúng ta đánh giá chất lượng của các toà nhà đạt tiêu chuẩn hay không đạt tiêu chuẩn các hệ thống BMS?
Hiện nay, các giải pháp điều khiển và quản lý tích hợp cho phép nâng cao hiệu suất và tối ưu hóa sử dụng năng lượng của tòa nhà.
Hệ thống quản lý tòa nhà BMS ( Building Managenent System) đang được phát triển. BMS là hệ thống điều khiển phân cấp DCS ( Distributed Control System) gồm 4 cấp:
* Cấp thấp nhất là cấp trường :
Các bộ điều khiển ở cấp này là các bộ điều khiển sử dụng bộ vi xử lý, cung cấp chức năng điều khiển số trực tiếp cho các thiết bị ở từng khu vực, bao gồm: máy bơm, các dàn trao đổi nhiệt, bơm nhiệt, các bộ điều hòa không khí cục bộ...
Hệ thống phần mềm quản lý năng lượng cũng được tích hợp trong các bộ điều khiển cấp trường.
Các cảm biến và cơ cấu chấp hành giao tiếp trực tiếp với các thiết bị được điều khiển. Các bộ điều khiển sẽ được nối với nhau trên một đường bus, do đó có thể chia sẻ thông tin với nhau và thông tin với các bộ điều khiển ở cấp hệ thống và cấp điều hành,quản lý.